sổ hồng, sổ đỏ là cách gọi phổ biến của người dân dựa trên màu sắc của giấy chứng nhận. Nên mua nhà đất có sổ hồng hay sổ đỏ là băn khoăn của nhiều người khi giao dịch mua bán nhà đất hiện nay. Vậy bản chất của sổ hồng và sổ đỏ là gì? Giá trị của sổ hồng, sổ đỏ cái nào cao hơn?
sổ hồng, sổ đỏ là gì?
- sổ đỏ là các gọi phổ biến của người dân về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trang bìa màu đỏ, ghi nhận quyền sử dụng đất, ở khu vực ngoài đô thị, áp dụng đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất ở nông thôn...
Mẫu giấy này được cấp chủ yếu cho hộ gia đình, do chủ hộ đứng tên để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Mẫu sổ đỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
- sổ hồng có trang bìa màu hồng (sổ hồng cũ) là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, khu vực đô thị, áp dụng với nhà ở, đất ở đô thị. Đối tượng là cá nhân, vợ chồng, hộ gia đình, tổ chức có đủ điều kiện được cấp giấy.
Tại Nghị định số 88/2009/NĐ-CP (có hiệu lực 10/12/2009) có nội dung thống nhất các Giấy chứng nhận, thành một loại Giấy chứng nhận có tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đối tượng được cấp là cá nhân, vợ chồng, hộ gia đình, tổ chức có đủ điều kiện được cấp giấy. Do mẫu này trang bìa màu hồng, nên người dân cũng gọi là "sổ hồng”. Mẫu giấy chứng nhận mới này được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tại mẫu Giấy chứng nhận này có chỗ điền thông tin về thửa đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất tùy vào từng trường hợp mà thông tin được ghi như sau:
- Khi người dân có yêu cầu chứng nhận quyền sử dụng đất mà có đủ điều kiện thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thông tin được ghi ở phần thông tin của thửa đất, phần thông tin nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để trống.
- Trường hợp người dân có yêu cầu chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và ghi thông tin tại mục nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (nếu có). Trường hợp này chủ yếu áp dụng đối với chung cư.
- Người dân có yêu cầu chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với đầy đủ thông tin ở các mục về thửa đất, nhà ở, tài sản khác.
Giá trị pháp lý của sổ đỏ và sổ hồng
- Trước ngày 10/12/2009, ở Việt Nam tồn tại loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng theo mẫu của Bộ Xây dựng).
- Từ ngày 10/12/2009, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo Khoản 2, Điều 29 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP quy định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý và được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có yêu cầu.
Như vậy, thực tế hiện nay đang tồn tại, cùng lưu hành 3 loại Giấy chứng nhận có giá trị pháp lý như nhau và không bắt buộc đổi sang mẫu mới gồm "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" trang bìa màu đỏ, “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” trang bìa màu hồng và "Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" trang bìa màu hồng.
Vậy, nên mua nhà đất có sổ đỏ hay sổ hồng?
Theo phân tích ở trên, sổ hồng và sổ đỏ hiện đang lưu hành có giá trị pháp lý ngang nhau và không phải đổi sang Giấy chứng nhận mới. Trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009 có nhu cầu thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Giá trị thực tế của sổ đỏ và sổ hồng thể hiện vào tài sản nằm trong đó và nó gắn liền với vị trí, diện tích, giá trị tài sản, nhà ở trên đất,…. Do đó, mua nhà đất có sổ đỏ hay sổ hồng đều có giá trị pháp lý ngang nhau và cốt lõi là giấy chứng nhận đó được cấp theo đúng quy định.
Hiện tình trạng sổ đỏ sổ hồng giả xuất hiện nhiều và khá tinh vi, do đó để tránh bị lừa đảo, tranh chấp phát sinh, người mua nên kiểm tra kỹ, xem xét vấn đề quy hoạch, kiểm tra ngoài thực địa xem có khớp với thông tin trong sổ,…